Rối loạn lipid là tình trạng bất thường về lượng lipid (chất béo) trong máu, thường biểu hiện qua việc tăng cholesterol xấu (LDL), tăng triglyceride hoặc giảm cholesterol tốt (HDL). Đây là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến các bệnh tim mạch. Hãy cùng team Dược sĩ Việt tìm hiểu về phác đồ điều trị rối loạn lipid máu nhé!
Mục lục
1. Chẩn đoán rối loạn lipid máu
1.1 Nhóm đối tượng cần phải chẩn đoán rối loạn lipid máu
Xét nghiệm rối loạn lipid máu ở bệnh nhân:
- Mắc đái tháo đường type 2
- Đã chẩn đoán xác định bệnh tim mạch
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá
- BMI ≥ 25 kg/m2 hoặc vòng eo > 90 cm đối với nam hoặc > 80 cm đối với nữ
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm
- Bệnh viêm mạn tính
- Bệnh thận mạn tính
- Tiền sử rối loạn Lipid máu có tính chất gia đình
1.2 Các xét nghiệm Lipid cần có
Trong thực hành lâm sàng các xét nghiệm Lipid máu thường quy là:
– Cholesterol toàn phần (CT),
– Lipoprotein Cholesterol tỷ trọng cao (HDL-C),
– Lipoprotein Cholesterol tỷ trọng thấp (LDL-C),
– Triglyceride (TG).
2. Phân tầng nguy cơ tim mạch
Tại Việt Nam, chúng ta sử dụng thang điểm SCORE dành cho các nước nguy cơ tim mạch thấp
2.1 Nguy cơ rất cao
Bao gồm bệnh nhân có bất kì một hoặc những yếu tố nguy cơ sau:
– Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, mạch vành.
– Bệnh nhân đái tháo đường type 2 hoặc đái tháo đường type 1 có tổn thương cơ quan đích (Ví dụ: Albumin niệu vi thể).
– Bệnh nhân suy thận mạn mức độ trung bình-nặng (mức lọc cầu thận <
60 ml/phút/1.73 m2).
– Điểm SCORE ≥ 10%.
2.2 Nguy cơ cao:
Bao gồm bệnh nhân có bất kì một hoặc những yếu tố nguy cơ sau:
– Có yếu tố nguy cơ đơn độc cao rõ rệt như rối loạn Lipid máu có tính gia
đình hay tăng huyết áp nặng.
– Điểm SCORE ≥ 5% và < 10%.
2.3 Nguy cơ trung bình:
– Các đối tượng được xem là có nguy cơ trung bình khi điểm SCORE
≥1% và < 5%.
2.4 Nguy cơ thấp:
Các đối tượng được xem là có nguy cơ thấp khi điểm SCORE < 1%
3. Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu
- Giảm LDL-C được khuyến cáo như mục tiêu thứ nhất để điều trị.
- Giảm Cholesterol toàn phần nên được xem là mục tiêu điều trị nếu các chỉ số xét nghiệm Lipid khác không có sẵn
- Giảm Non-HDL-C nên được xem là một mục tiêu thứ hai trong điều trị rối loạn Lipid máu, đặc biệt là trong tăng Lipid máu hỗn hợp, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá hoặc bệnh thận mạn. Mục tiêu non-HDL-C được dùng khi mục tiêu LDL-C đã đạt được nhưng TG còn cao và/hoặc HDL-C còn thấp
- Giảm triglyceride nên được phân tích trong thời gian điều trị rối loạn Lipid máu có nồng độ triglyceride cao.
- Các biện pháp thay đổi lối sống và lựa chọn thực phẩm để kiểm soát nguy cơ tim mạch
- Tăng cường quan tâm đến lựa chọn nhiều loại thực phẩm lành mạnh: trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, cá (đặc biệt là cá có dầu)
- Điều chỉnh năng lượng tiêu thụ để phòng ngừa thừa cân và béo phì.
- Nên giảm lượng muối xuống dưới 5g/ngày bằng cách tránh muối bột và hạn chế muối trong nấu ăn. Hạn chế chế biến, đồ ăn có nhiều đường, dầu mỡ, muối.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
- Cần khuyến khích hoạt động thể lực, hướng đến luyện tập thể lực thường xuyên hàng ngày, ít nhất là 30 phút/ngày.
4. Điều trị tăng LDL-C
- Phân tầng nguy cơ tim mạch của bệnh nhân: rất cao, cao, trung bình, thấp.
- Xác định mức LDL-C mục tiêu tùy theo phân tầng nguy cơ của bệnh nhân.
- Chọn loại Statin với liều thích hợp để đạt được mức LDL-C mục tiêu.
- Kê đơn, chỉnh liều Statin để đạt mức LDL-C mục tiêu.
- Theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của Statin.
- Thực hiện các biện pháp điều chỉnh lối sống và chọn lựa các thực phẩm có ảnh hưởng tốt đến LDL-C.
Đối với việc kê statin
- Kê đơn Statin đến liều cao nhất được khuyến cáo mà bệnh nhân có thể dung nạp để đạt được mục tiêu điều trị.
- Nếu không đạt được mục tiêu điều trị thì phối hợp Statin với thuốc ức chế hấp thu Cholesterol (Ezetimibe), nhất là trong bệnh suy thận mạn hoặc sau hội chứng vành cấp.
- Thuốc ức chế hấp thu Cholesterol cũng có thể được xem xét trong trường hợp không dung nạp Statin.
- Khi sử dụng statin có thể gây ra tình trạng tăng men gan hoặc tăng Creatine kinase.
Sau khi kiểm tra tình trạng men gan và creatine kinase, bác sĩ sẽ chỉ định dùng tiếp hay ngưng dùng thuốc statin.
5. Xử trí tăng triglyceride máu
Mục tiêu điều trị
- Phòng ngừa viêm tụy cấp: Một trong các nguy cơ cao trên lâm sàng là khi triglyceride tăng quá cao chiếm tới 10% trong các nguyên nhân gây viêm tụy cấp.
- Phòng ngừa biến cố tim mạch: Có các phân tích ghi nhận rằng điều trị tăng triglyceride bằng Fibrate có thể làm giảm 13% các biến cố tim mạch chính, chủ yếu là biến cố động mạch vành và lợi ích của Fibrate thể hiện rõ hơn khi triglyceride >2.3 mmol/l (~200 mg/dl). Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa chứng minh được là Fibrate làm giảm được tỷ lệ tử vong chung.
Chỉ định điều trị
- Khi triglyceride ≥ 500 mg/dl: Dùng thuốc giảm làm triglyceride phối hợp với các biện pháp thay đổi lối sống với mục đích phòng ngừa viêm tụy cấp.
- Khi triglyceride từ 200 – 499 mg/dL: tính hàm lượng non-HDL-C và điều trị theo mục tiêu non-HDL-C (xem phần điều trị rối loạn Lipid máu hỗn hợp).
- Khi triglyceride từ 150 – 200 mg/dl: điều chỉnh lối sống qua chế độ luyện tập và qua chế độ ăn kiêng, giảm cân nặng, bỏ hút thuốc lá…
- Chú ý: Đa số các khuyến cáo về điều trị rối loạn Lipid máu của Hoa Kỳ đều không xem triglyceride là một mục tiêu điều trị trong việc làm giảm biến cố của bệnh tim mạch do xơ vữa
Điều trị bệnh nhân có Triglyceride cao và HDL-C thấp
Fibrate được khuyến cáo dùng cho điều trị Triglycerid cao.
Statin và Fibrate làm tăng HDL-C gần như nhau, có thể xem xét dùng. Hiệu quả làm tăng HDL-C của Fibrate có thể nhiều hơn ở bệnh nhân đái tháo đường.
6. Điều trị rối loạn Lipid máu hỗn hợp
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị hay không dung nạp liều cao thì cần xem xét phối hợp thuốc, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
- Có thể phối hợp Statin và Ezetimibe
- Phối hợp Statin + Fibrate có thể ưu tiên xem xét, đặc biệt khi có HDL-C thấp và Triglyceride tăng.
- Nếu Triglyceride vẫn chưa kiểm soát được bằng Statin hoặc Fibrate, có thể cho thêm Omega 3 vì nó cho thấy an toàn và dung nạp tốt dù hiệu quả còn khiêm tốn.
7. Tóm tắt
Tóm lại, điều trị rối loạn lipid máu đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc. Việc phân tầng nguy cơ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Để đạt được hiệu quả điều trị cao, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, theo dõi sức khỏe định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh.
XEM THÊM:
Các bài thuốc Đông y hỗ trợ hạ mỡ máu