Mỡ máu cao là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho tim mạch. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc tây, nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên, trong đó có việc sử dụng bài thuốc dược liệu. Cùng team Dược sĩ Việt tìm hiểu về một vài bài thuốc dược liệu giúp hạ mỡ máu nhé!
Mục lục
1. Bệnh mỡ máu cao là gì?
Máu nhiễm mỡ có tên khoa học là bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đây là căn bệnh khá phổ biến và đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, khoảng 26% người Việt Nam lứa tuổi 25-74 bị máu nhiễm mỡ.
Mỡ máu hay còn gọi là lipid máu – một thành phần quan trọng của cơ thể bởi chúng tham gia vào cấu trúc tế bào của tất cả các mô, tham gia vào hoạt động của não bộ, sản xuất các nội tiết tố (hormon), dự trữ vitamin…
Mỡ luôn có mặt trong máu của người bình thường và duy trì ở một giới hạn cho phép (giới hạn bình thường). Trong một số trường hợp, các thành phần của mỡ máu vượt khỏi giá trị bình thường nên được gọi là RỐI LOẠN MỠ MÁU.
Mức giới hạn bình thường của các chỉ số trong xét nghiệm mỡ máu:
- Cholesterol toàn phần: 3,9 – 5,7 mmol/L
- Triglycerid: 0,46 – 1,88 mmol/L
- HDL-C: ≥ 0.9 mmol/L
- LDL-C: ≤ 3,4 mmol/L
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện khi 1 trong 4 thông số lipid bị rối loạn.
2. Các bài thuốc hỗ trợ hạ mỡ máu trong Đông y
Hiện nay, có rất nhiều bài thuốc Đông y điều trị bệnh mỡ máu cao. Tuy nhiên, chúng ta cần tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng.
2.1 Bài thuốc 1
Theo Bộ Y tế, người béo có thể dùng bài thuốc sau:
Bạch linh 12g
Trần bì 12g
Hương phụ chế 16g
Bán hạ 12g
Sơn tra 20g
Sắc uống ngày một thang.
Bạch linh: hay còn có tên gọi khác là nấm Phục linh
Tính – Vị: Vị ngọt, nhạt, tính bình.
Quy kinh: Tỳ, Tâm, Thận và Phế.
Tác dụng của Bạch linh theo Đông y:
Công dụng:
- An thần, kiện tỳ, lợi thủy thúc đẩy cơ thể đào thải các chất lỏng dư thừa, giảm phù nề), hòa vị: điều hòa quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
- Chủ trị:
- Tỳ khí hư nhược, tiểu tiện khó, mất ngủ, đàm ẩm, nhịp tim nhanh, tiêu chảy, phù nề, chứng thấp nhiệt (viêm bàng quang, chướng bụng), yếu tim.
Tác dụng của Bạch linh theo y học hiện đại:
- Bạch linh có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hạ đường huyết, giảm nguy cơ loét bao tử.
- Thành phần polysaccharide trong dược liệu có tác dụng tăng cường miễn dịch, kháng tế bào ung thư, lợi tiểu và an thần.
- Ngoài ra, nước sắc từ bạch linh còn có tác dụng ức chế trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn đại tràng, xoắn khuẩn và tụ cầu vàng.
Trần bì
Vị cay, đắng, tính ôn.
Quy kinh: Tỳ, Phế.
Theo Y học cổ truyền thuốc có tác dụng:
- Công dụng: Lý khí điều trung, táo thấp hóa đàm.
- Chủ trị các chứng: Tỳ vị khí trệ, khí hư, đầy bụng ăn không tiêu, đàm thấp ứ trệ, phế khí mất tuyên thông.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng đối với cơ trơn của dạ dày và ruột:
Tinh dầu của Trần bì có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn dạ dày và ruột.
- Tác dụng khu đàm bình suyễn: thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp làm tăng dịch tiết, làm loãng đàm dễ khạc ra.
- Kháng viêm, chống loét:
Thành phần humulene và alpha humulenol acetat có tác dụng như vitamin P, có tác dụng kháng histamin, gây tăng tính thẩm thấu của thành mạch.
Alpha humulenol acetate có tác dụng chống loét rõ và làm giảm tiết dịch vị trên mô hình gây loét dạ dày bằng cách thắt môn vị.
- Tác dụng đối với hệ tim mạch: Nước sắc Trần bì tươi và dịch chiết cồn với liều lượng bình thường có tác dụng hưng phấn tim, liều lượng lớn có tác dụng ức chế.
- Tác dụng kháng khuẩn: có tác dụng ức chế sinh trưởng của tụ cầu khuẩn, trực khuẩn dung huyết, ái huyết.
- Những tác dụng khác: Trần bì còn có tác dụng chống dị ứng, lợi mật, ức chế cơ trơn của tử cung.
Hương phụ chế
Vị cay, hơi đắng, ngọt
Quy kinh: can và tam tiêu.
Công dụng: ký khí (lưu thông khí huyết), giải uất (giảm căng thẳng), điều kinh, chỉ thống (làm hết đau), ung thư, ngực bụng chướng đau.
Hương phụ thường được dùng:
Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở.
Đau dạ dày do thần kinh, giúp sự tiêu hóa, ăn không tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng, đi lỵ.
Bán hạ
Tính ấm, vị cay.
Quy kinh: kinh Tỳ, Vị, Phế.
Tác dụng của bán hạ nam
Trên thực nghiệm, bán hạ nam có tác dụng chống ho, trừ đờm, chống nôn.
Theo Y học Cổ truyền, bán hạ có tác dụng giáng nghịch, chỉ ho, trừ đờm, chống nôn. Dùng trị các chứng bệnh ho có nhiều đờm, hoặc ho do viêm phế quản mạn tính, nôn do chướng khí
Sơn tra
Tính vị: Vị ngọt, chua nhẹ, tính hơi ôn, không độc.
Quy kinh: Kinh Can và Tỳ.
Công dụng: Trợ tiêu hóa, hoạt huyết, giảm ứ, lợi tiểu,…
Chủ trị: Ăn uống không tiêu, không ngon miệng, ợ hơi, đầy bụng, tiêu chảy…
Một số tác dụng của Sơn tra theo nền y học hiện đại như:
- Hỗ trợ hệ tuần hoàn: Giảm sự kích thích cơ tim, tăng sức co bóp từ đó tăng lưu lượng máu, điều hòa hệ tuần hoàn. Một số quốc gia đã chiết xuất từ dược liệu để điều chế các loại thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp.
- Giảm mỡ máu: Tăng bài tiết cholesterol ra ngoài có thể từ đó làm hạ lipid máu, chống xơ vữa mạch máu.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Hỗ trợ enzyme, kích thích ăn ngon miệng, giảm đầy hơi, khó tiêu…
- Kháng khuẩn: Ức chế các trực khuẩn liên cầu beta, tụ cầu vàng…
- An thần: Hỗ trợ giấc ngủ, tăng cường sức khỏe.
Phân tích:
Để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của bài thuốc, chúng ta sẽ phân tích các vị thuốc theo quan hệ Quân – Thần – Tá – Sứ. Đây là một cách phân tích truyền thống trong Đông y để đánh giá sự phối hợp các vị thuốc trong một bài thuốc. Tuy nhiên, việc phân loại này đôi khi có thể linh hoạt tùy thuộc vào từng bài thuốc và quan điểm của người thầy thuốc.
Quân:
Bán hạ: Trong bài thuốc này, Bán hạ có thể được xem là vị thuốc chủ yếu (Quân). Bán hạ có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu đàm, hóa thấp, tức là giúp làm ấm trung tiêu, giảm đau bụng, tiêu đàm ẩm, hóa giải các chất ẩm thấp.
Thần:
Sơn tra: Sơn tra hỗ trợ Bán hạ trong việc tiêu thực, giảm đau, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Vì vậy, Sơn tra có thể được xem là vị thuốc Thần, hỗ trợ cho Quân.
Tá:
Bạch linh, Trần bì: Hai vị thuốc này có tác dụng kiện tỳ, lợi thủy, hóa khí. Chúng hỗ trợ cho Quân và Thần trong việc kiện tỳ, hóa thấp, giúp tiêu hóa tốt hơn và giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu.
Sứ:
Hương phụ chế: Hương phụ chế có tác dụng ức chế sự co thắt của cơ trơn, giảm đau. Trong bài thuốc này, Hương phụ chế có thể được xem là vị thuốc Sứ, giúp dẫn các vị thuốc khác vào kinh lạc, tăng cường tác dụng của thuốc.
Tổng kết:
Bài thuốc này được phối hợp các vị thuốc một cách hợp lý, mỗi vị thuốc đều có vai trò riêng của mình. Bán hạ là vị thuốc chủ yếu, có tác dụng điều trị các triệu chứng tiêu hóa. Sơn tra hỗ trợ Bán hạ trong việc tiêu thực, giảm đau. Bạch linh và Trần bì giúp kiện tỳ, hóa thấp. Hương phụ chế giúp giảm đau, dẫn thuốc vào kinh lạc.
2.2 Bài thuốc 2
Theo Bộ Y tế, khi đã phát hiện gan nhiễm mỡ có thể uống bài thuốc sau:
Atiso 12g
Bạch linh 12g
Bạch truật 12g
Bạch thược 12g
Sài hồ 12g
Cam thảo 6g
Gừng 8g
Uất kim 12g
Đương quy 12g.
Sắc uống ngày một thang.
Atiso
- Tốt cho gan: Atiso được biết đến với khả năng bảo vệ gan, giúp gan giải độc, tăng cường chức năng gan, đặc biệt tốt cho những người bị viêm gan, xơ gan.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Atiso giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Chất xơ trong atiso còn giúp làm sạch đường ruột, ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa.
- Giảm cholesterol: Atiso có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
- Lợi tiểu: Atiso giúp tăng cường quá trình bài tiết nước tiểu, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường tiết niệu.
- Chống oxy hóa: Atiso chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, ngăn ngừa lão hóa sớm và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
- Cải thiện sức khỏe làn da: Atiso giúp làm sạch máu, tăng cường tuần hoàn máu, từ đó giúp cải thiện làn da, làm mờ các vết thâm nám, ngăn ngừa mụn.
- Hỗ trợ giảm cân: Chất xơ trong atiso tạo cảm giác no lâu, giúp giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân.
Bạch truật
Vị ngọt, cay, hơi đắng, tính ấm và không có độc.
Quy kinh: Tỳ, Vị.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng đối với đường ruột: bạch truật có khả năng chữa cả chứng tiêu chảy và táo bón.
- Tác dụng đối với hệ tuần hoàn: Thực nghiệm cho thấy cồn chiết xuất và nước sắc từ bạch truật có tác dụng giãn mạch và chống đông máu.
- Tác dụng bảo vệ gan: Nước sắc dược liệu có tác dụng bảo vệ tế bào gan và ngăn ngừa tình trạng sụt giảm glycogen trong gan.
- Tác dụng bồi bổ sức khỏe: bạch truật có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức bơi lội, tăng trọng lượng, tăng bạch cầu và khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới.
- Nước sắc từ bạch truật có tác dụng hạ đường huyết.
- Atractylenolide trong dược liệu có tác dụng chống viêm (đặc biệt là ở khớp), chống suy giảm chức năng gan và chống loét ở các cơ quan tiêu hóa.
Tác dụng của bạch truật theo Đông Y:
Công dụng: Ích khí, an thai, trừ thấp, bổ tỳ vị, chỉ hãn, táo thấp, chỉ hãn, ôn trung,…
Chủ trị: Chảy nước mắt, đau đầu, phù thũng, hoàng đản (viêm gan), phong hàn, hơi thở ngắn, suy nhược, tiểu không thông, tỳ vị hư, tiêu chảy, táo bón, thai động, tiểu đường.
Công dụng chính của bạch thược:
Giảm đau: Bạch thược có tác dụng giảm đau rất tốt, đặc biệt là các cơn đau do co thắt cơ trơn như đau bụng kinh, đau đầu, đau nhức xương khớp.
Điều hòa kinh nguyệt: Bạch thược giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm các triệu chứng đau bụng kinh, rong kinh.
Dưỡng huyết: Bạch thược có tác dụng bổ huyết, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi.
An thần, trấn tĩnh: Bạch thược giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ.
Chữa trị các bệnh về gan: Bạch thược giúp bảo vệ gan, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan.
Sài hồ
Tính vị
Vị đắng, tính hơi hàn. Một số tài liệu ghi chép sài hồ có tính bình.
Tác dụng của sài hồ theo Đông Y:
- Công năng: Thoái nhiệt, giải uất, điều kinh, phát biểu, hòa lý, thăng dương, sơ can chỉ thống.
- Chủ trị: Dùng sống trị chứng khó tiểu, sốt không đổ mồ hôi, trị các chứng ngoại cảm. Thuốc tẩm sao dùng để trị chứng kinh nguyệt không đều, sốt rét, hoa mắt, ù tai, trẻ bị lên đậu, sởi.
Tác dụng của sài hồ theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Thuốc có công dụng an thần, giải nhiệt, ức chế vi khuẩn lao, kháng virus bại liệt, virus cúm và tác dụng chống viêm tương tự corticoid.
- Sài hồ giúp hạ mỡ trong máu, lợi mật và bảo vệ gan.
- Nước sắc từ dược liệu làm tăng khả năng tổng hợp protein, tăng cường miễn dịch đối với chuột thực nghiệm.
- Ngoài ra, nước sắc từ sài hồ còn có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, virus cúm, phẩy khuẩn thổ tả, cầu khuẩn tan huyết, vi trùng sốt rét, virus gây viêm gan,…
Cam thảo
Công dụng
Theo y học cổ truyền
- Cam thảo có tính bình và vị ngọt.
- Rễ có tác dụng giải độc và tả hoả; Cam thảo tẩm mật sao vàng (Chích thảo) có tính ấm và có tác dụng bổ (ôn trung) nhuận phế, điều hoà các vị thuốc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
- Rễ cam thảo dùng chữa cảm, mất tiếng, ho, viêm họng, đau dạ dày, mụn nhọt, tiêu chảy, ngộ độc.
- Chích thảo dùng chữa tỳ vị hư nhược, thân thể mệt mỏi, kém ăn, tiêu chảy, ho do phế hư, khát nước do vị hư.
Theo y học hiện đại
Theo nghiên cứu thực nghiệm các tác dụng gây trấn tĩnh, giảm ho, ức chế thần kinh trung ương, tác dụng giải co thắt cơ trơn, tăng bài tiết mật, gây tăng tiết dịch vị của histamin, chống viêm và chống dị ứng, tác dụng giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu.
Gừng
Công dụng của gừng theo y học hiện đại:
Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra nhiều tác dụng của gừng đối với sức khỏe như:
- Ở đường hô hấp: Ức chế virus hợp bào ở đường hô hấp. Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng ho, khó thở, sưng đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi và các triệu chứng liên quan đến bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, viêm họng hay viêm phế quản.
- Ở đường tiêu hóa: Gừng có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm viêm ở niêm mạc ruột, chống trào ngược dạ dày thực quản, xoa dịu cơn đau bụng, đau dạ dày. Bên cạnh đó, thảo dược này cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm ợ chua, khó tiêu.
- Trên hệ tuần hoàn: Một số hoạt chất trong gừng có khả năng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, đồng thời giảm cholesterol trong máu.
- Với hệ cơ xương khớp: Gừng giúp giảm đau nhức xương khớp. Đặc tính chống viêm của dược liệu này cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, phong thấp, bệnh gout và nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ xương khớp.
- Ở hệ thần kinh: Gừng có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chóng mặt, xoa dịu cơn đau đầu.
- Các tác dụng khác: Ngăn ngừa tiểu đường, chống say tàu xe, hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa ung thư, tăng cường sinh lý.
Uất kim là một loại củ rất quen thuộc với chúng ta – Nghệ vàng
Tác dụng dược lý của Nghệ vàng tươi
Các tính chất của cây Nghệ vàng là khả năng hạ cholesterol trong máu, tăng tiết mật, chống loét dạ dày, chống viêm cấp và mạn. Tinh dầu Nghệ vàng còn có khả năng diệt khuẩn ngoài da và chống nấm. Trong Nghệ vàng, Curcumin đã được chứng minh là có nhiều tác dụng, bao gồm khả năng nhanh lên da non, hỗ trợ làm lành vết thương, ngăn ngừa ung thư, kháng viêm, chống oxy hóa…
Đương quy
Tính vị: Vị cay, ngọt, đắng, thơm, tính ôn
Quy kinh: Vào kinh tâm, can, tỳ
Công năng: Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng, thông đại tiện.
Công dụng: Đương quyqui được dùng chữa thiếu máu xanh xao, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh.
Còn được dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.
TỔNG HỢP
2.3 Bài thuốc 3: Giảo cổ lam kim tiền ẩm
Dùng giảo cổ lam 15g
Kim tiền thảo 50g.
Hãm lấy nước uống, hoặc sắc thuốc chia 3 lần uống trong ngày.
Giảo cổ lam
Ở bài viết hôm trước, team Dược sĩ Việt đã phân tích rất kỹ về Giảo cổ lam. Giảo cổ lam, hỗ trợ ổn định lipid máu, giảm cholesterol, chậm lão hoá, tăng cường hệ miễn dịch và chức năng giải độc của gan. Có thể sử dụng giảo cổ lam như trà uống hằng ngày.
Kim tiền thảo
Theo y học hiện tại:
- Tác dụng lên hệ thống tim mạch, hạ áp lực ở động mạch, tăng tuần hoàn mạch vàng, làm giảm lượng oxy ở tim và góp phần điều trị nhịp tim nhanh gây hồi hộp.
- Ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn xanh và vi khuẩn lỵ.
- Lợi tiểu, tăng bài tiết mật, giảm đau ống mật và hỗ trợ điều trị vàng da.
- Nước sắc Kim tiền thảo có thể điều trị sạn ở đường tiểu và mật.
- Nước cốt Kim tiền thảo có thể cải thiện viêm tuyến vú.
Kết luận: Bài thuốc giúp hạ mỡ máu và hỗ trợ tuần hoàn máu, động mạch. Từ đó, Bài thuốc giúp cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch.
2.4 Bài thuốc 4
Sơn tra: 30g
Lá sen: 10g
Sắc uống thay trà có tác dụng thanh nhiệt, làm giảm mỡ máu, dùng cho người bị rối loạn lipid máu. Nghiên cứu cho thấy lá sen cũng có tác dụng làm giảm cholesterol máu trên thực nghiệm và lâm sàng.
Vị: đắng, chát.
Tính: bình
Quy kinh: Tâm, Tỳ, Vị, Can
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng thường được biết đến và sử dụng, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt. Do đó, hiện nay lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị béo phì, phòng trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật.
2.5 Bài thuốc 5
Cao thân rễ của cây Nần nghệ có tác dụng chống viêm và làm giảm cholesterol trong máu. Các nghiên cứu khoa học cho thấy nếu uống liều lượng 2 – 4g cao Nần nghệ mỗi ngày thì lượng cholesterol trong máu giảm đáng kể, đặc biệt là các cholesterol xấu và có thể giảm được các nguy cơ bị mắc bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
3. Dinh dưỡng để phòng ngừa và điều trị bệnh mỡ máu cao.
Khi bị máu nhiễm mỡ, người bệnh nên tiết chế lượng thức ăn chứa nhiều Cholesterol như thịt đỏ, bơ, trứng, phô mai, sữa béo, nội tạng động vật. Nên ăn các loại ngũ cốc kết hợp với củ quả.
Tốt nhất nên sử dụng các món ăn được chế biến từ đậu nành (sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương…) vì đây là thực phẩm đặc biệt tốt cho tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung ít nhất 25g đạm đậu nành mỗi ngày là cách đơn giản để phòng ngừa và cải thiện tình máu nhiễm mỡ, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Để phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ, các chuyên gia khuyến cáo, đây là căn bệnh khó phát hiện và khó điều trị. Do vậy, mỗi người cần tìm hiểu về bệnh lý nguy hiểm này để chủ động phòng bệnh đồng thời thực hiện kiểm tra tình trạng mỡ máu định kỳ.
- Với người trên 20 tuổi thực hiện kiểm tra mỡ máu từ 3-5 năm/lần
- Người trên 50 tuổi kiểm tra 6 tháng/lần.
- Đặc biệt, những người có thể trạng béo, những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, hiệu quả chữa trị cao, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
4. Tóm tắt
Mỡ máu cao là bệnh mạn tính có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần phòng ngừa và điều trị từ sớm. Hiện nay, có rất nhiều các vị thuốc, bài thuốc Đông y có thể giúp hỗ trợ hạ mỡ máu. Tuy nhiên, chúng ta cần sử dụng khoa học, hợp lý và hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia để đạt được hiệu quả tốt nhất.
XEM THÊM