Định Nghĩa Về Da
Da bao bọc toàn bộ cơ thể, là ranh giới ngăn các cơ quan bên trong cơ thể với môi trường bên ngoài.
Da là cơ quan lớn nhất trên cơ thể con người. Da chiếm 16% trọng lượng cơ thể và diện tích bề mặt khoảng 1.5 đến 2m2 ( ở người lớn)
Da có nhiều chức năng quan trọng gồm:
- Bảo vệ cơ thể khỏi các chấn thương.
- Điều chỉnh nhiệt độ cho cơ thể.
- Giúp duy trì cân bằng nước và điện giải.
- Tham gia tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
- Giúp cảm nhận các kích thích từ phía ngoài vào cơ thể.
Làn da như một rào cản giúp cho cơ thể chống lại các chất nguy hiểm từ bên ngoài xâm nhập vào và đồng thời cũng giảm bớt sự ảnh hưởng của tia cực tím. Vì thế mà bất kỳ vấn đề gì trên da đều có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất của bạn. Ngoài ra khi da xuất hiện bất kỳ điểm nào không bình thường đều là biểu hiện cho một rối loạn hay bệnh trên cơ thể.
Cấu Tạo Da
Là cơ quan luôn luôn thay đổi, làn da bao gồm 3 lớp chính: biểu bì, trung bì, hạ bì. Mỗi lớp lại bao gồm nhiều lớp thay thế. Các phần phụ của da như các nang và các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờncũng đóng những vai trò khác nhau trong chức năng tổng thể của da.
I – LỚP BIỂU BÌ
Biểu bì chính là lớp da ngoài cùng ta có thể nhìn và sờ được, chúng có tác dụng bảo vệ cơ thể, tránh vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
Trong biểu bì có 5 lớp tế bào, chúng phát triển và thay đổi thường xuyên hay còn gọi là quá trình sừng hóa, vì vậy mỗi lớp tầng biểu bì có sự khác nhau. Cụ thể: Lớp đáy nằm trong cùng của biểu bì, đây là nơi các tế bào keratinocyte được sản sinh; lớp tế bào gai có tác dụng sản sinh chất sừng; lớp hạt là nơi quá trình sừng hóa bắt đầu, các tế bào sản sinh ra hạt nhỏ, chúng di chuyển lên trên, biến đổi thành chất sừng và lipid biểu bì; lớp bóng bị các tế bào ép nhẹ khiến chúng trở nên bằng phẳng và không thể phân biệt được; lớp sừng là nơi cư trú của tuyến mồ hôi và bã nhờn, được gắn kết bởi các lipid biểu bì, tạo nên hàng rào để bảo vệ và giúp làn da khỏe mạnh.
Hiểu về quá trình sừng hóa
– Quá trình này bắt đầu ở lớp đáy. Các tế bào lớp đáy sản sinh ra tế bào mới, di chuyển dần lên tạo thành các tế bào lớp trên, cuối cùng thành lớp sừng và tróc ra khỏi da. Quá trình này thường mất khoảng 28 ngày (Trong đó tế bào di chuyển từ lớp đáy lên lớp sừng mất khoảng 14 ngày và mất thêm 14 ngày nữa để tróc ra khỏi da). Càng lớn tuổi, quá trình sừng hóa diễn ra càng chậm. Nên theo thời gian làn da của người lớn tuổi sẽ trở nên dày, nhăn nheo. Quá trình sừng hóa của em bé diễn ra nhanh và liên tục, nên da em bé lúc nào cũng hồng hào, khỏe mạnh.
– Nếu quá trình sừng hóa diễn ra chậm, lớp sừng sẽ ko tróc ra mà dần dần tích tụ lại tạo thành 1 lớp dày. Hiện tượng này gọi là sừng hóa quá độ.
– Ngược lại nếu quá trình sừng hóa diễn ra nhanh, lớp sừng hình thành không đầy đủ, dẫn đến khả năng giữ nước giảm. Da sẽ trở nên khô ráp. Hiện tượng này gọi là sừng hóa không hoàn toàn.
Ứng dụng quá trình sừng hóa để chăm sóc da:
– Để có làn da sáng, chúng ta cần loại bỏ lớp sừng chết cũ để lớp da mới có cơ hội phô bày lên bề mặt da. Cách tốt nhất là chúng ta cần tẩy tế bào chết cho da 1-3 lần/tuần để ngăn sự sừng hóa quá độ.
– Khi dùng sản phẩm chăm sóc da (nhất là kem làm trắng), các bạn nên căn cứ vào độ tuổi của mình để biết được thời gian trung bình mà sản phẩm đó có tác dụng lên làn da. Trung bình là khoảng 20 – 30 ngày, khi quá trình sừng hóa diễn ra hoàn toàn, các bạn sẽ thấy được hiệu quả của sản phẩm. Nếu dùng sản phẩm nào mà chỉ trong vài ngày da đã trắng lên thấy rõ thì chứng tỏ kem đó có sử dụng chất tẩy mạnh (kích thích sự sừng hóa diễn ra nhanh). Mà theo cơ chế trên, nếu sừng hóa diễn ra nhanh thì lớp sừng không hình thành đầy đủ, làm da trở nên yếu, mất khả năng giữ nước, giữ ẩm. Da không đủ khỏe để chống chọi lại các tác nhân bên ngoài –> Trở nên nhạy cảm, dễ nổi mụn, sạm đen…
– Để quá trình sừng hóa được diễn ra nhanh nhằm trẻ hóa cho làn da, thì các chị cần chống nắng kĩ khi ra nắng, cung cấp đầy đủ cả lượng dầu và lượng nước cho da, massage da mặt 1-2 lần/tuần để kích thích lượng máu trên da được tuần hoàn.
Sắc tố da và Melanin
Rải rác khắp lớp đáy của lớp biểu bì là các tế bào melanocytes tạo ra sắc tố melanin, một trong những chất có ảnh hưởng lớn tới màu da của chúng ta. Da càng sẫm màu thì chứng tỏ trên da càng chứa nhiều melanin. Chức năng của melain chính là lọc các bức xạ tử ngoại từ ánh mặt trời làm tổn hại đến da.
– Tế bào chứa melanin quyết định màu da theo chủng tộc, nơi sinh sống. Mỹ phẩm và một số cách khác có thể làm thay đổi màu da tạm thời nhưng rất khó để chuyển hoàn toàn từ màu da này sang màu da khác.
Khi ra nắng cơ thể có phản ứng tự vệ: tuyến mồ hôi tiết ra acid urocanic, tế bào hạt sinh ra hắc tố melanin, tế bào sừng dày ra để cản tia tử ngoại. Phản ứng tự vệ này gây ra bất lợi về mặt thẩm mỹ trên da: tế bào sừng dày ra, bịt chặt tuyến bã nhờn gây mụn; sắc tố melanin làm da sậm lại –> Da sần sùi, đen sạm đi và dễ nổi mụn.
Vì thế, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều dễ làm da xấu đi, nám, nhanh lão hóa… Nên các bạn cần che chắn kĩ khi ra nắng, dùng thêm kem chống nắng để hạn chế tác nhân gây hại của tia UV đến làn da.
II – LỚP TRUNG BÌ
Lớp trung bì là lớp tiếp theo của cấu tạo da nằm ở giữa. Đây là lớp da dày nhất chứa nhiều collagen và eslatin khiến cho da đàn hồi và dẻo dai hơn. Đây đều là những loại protein quan trọng với collagen chịu trách nhiệm hỗ trợ cấu trúc da và eslatin giúp phục hồi làn da. Lớp trung bì cũng chứa các dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, nang lông và mạch máu
Các tuyến mồ hôi tạo ra mồ hôi khi thời tiết nóng bức hoặc khi gặp căng thẳng. Mồ hôi bao gồm nước, muối và các chất khác. Khi mồ hôi bay hơi khỏi da sẽ giúp làm mát cơ thể. Tuyến mồ hôi ở vùng nách và cơ quan sinh dục tiết ra nhiều hơn tạo ra mùi cơ thể đặc trưng cho mỗi người.
Tuyến bã nhờn giúp tiết ra dầu nhờn trên da giúp cho da giữ được độ ẩm và cũng bảo vệ da khỏi các chất lạ. Khi tuyến bã nhờn tiết ra quá ít dầu đặc biệt đối với người cao tuổi sẽ gây ra tình trạng da khô và dễ tạo thành nếp nhăn. Ngược lại, tạo ra quá nhiều bã nhờn như làn da tuổi dậy thì sẽ dễ dẫn tới mụn trứng cá.
Các nang lông tóc tạo ra lông ở khắp cơ thể. Lông trên da không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bảo vệ bạn khỏi các chấn thương ở bên ngoài.
Các mạch máu của lớp trung bì giúp cung cấp dinh dưỡng cho da và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ cao khiến các mạch máu giãn to ra và cho phép một lượng máu lớn lưu thông gần bề mặt da để giảm nhiệt. Ngược lại khi trời lạnh, các mạch máu co lại giúp giữ nhiệt trên cơ thể.
Lớp trung bì và vấn đề chống lão hóa cho da:
Lớp biểu bì làm da trông sáng và mềm mại, nhưng nếp nhăn xuất hiện là do sự thay đổi ở lớp trung bì. Mục tiêu “chống nếp nhăn” là ngăn chặn sự mất đi của collagen, elastin và axit hyaluronic (HA) – đây là 3 thành phần quan trọng của lớp trung bì, chúng giảm đi theo độ tuổi hoặc khi da bị viêm. Các sản phẩm kem chống lão hóa trên thị trường bảo là có chứa 3 thành phần này giúp bổ sung, trẻ hóa cho da, nhưng thật sự các thành phần trong kem dưỡng không thể nào thấm sau được đến tận lớp trung bì để mà cải thiện nếp nhăn vì phân tử của chúng quá lớn.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ chống lão hóa tương đối hiệu quả là sử dụng các sản phẩm kích thích da tự sản xuất ra collagen, elastin và HA. Đó là các sản phẩm chứa Retinol, vitamin C và copper peptide. Vậy khi mua các sản phẩm chống lão hóa các bạn nên chú ý nhìn vào bảng thành phần để kiểm tra nhé.
Việc uống collagen cũng giúp cải thiện phần nào da lão hóa, nhưng do khi uống vào cơ thể, các collagen sẽ phân bố đều khắp các bộ phận của cơ thể, chứ không chỉ tập trung vào da, nên nếu uống collagen các bạn cần phải uống thường xuyên và lâu dài thì mới thấy được sự cải thiện.
III – LỚP HẠ BÌ
– Lớp này nằm dưới lớp trung bì, có chứa nhiều mỡ nên còn được gọi là mô mỡ dưới da. Lớp này đóng vai trò quan trọng như một tấm nệm giúp bảo vệ cơ bắp và các cơ quan bên trong, giữ nhiệt.
– Mô mỡ có độ dày mỏng khác nhau tùy vị trí. Dày nhất ở vùng bụng, ngực, mông, đùi. Mỏng nhất ở vùng mí mắt, mũi, môi.
– Mô mỡ của nữ dày hơn nam, nên cơ thể phụ nữ có đường cong uyển chuyển đẹp mắt. Và phụ nữ cũng dễ tăng cân béo phì hơn nam giới.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi da bị tổn thương?
Làn da khỏe mạnh, không có bất kì các vấn đề gì thì sẽ đều màu,cấu trúc mềm mại, đủ độ ẩm, là cơ quan cảm thụ tốt những va chạm, áp lực và nhiệt độ. Khi hàng rào tự nhiên của da bị suy yếu, chức năng bảo vệ và vẻ bên ngoài khỏe mạnh của làn da sẽ bị tổn thương:
Da mất đi độ ẩm và độ đàn hồi và có thể nhìn và cảm thấy khô, thô, nứt và / hoặc chảy xệ.
Da ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các ảnh hưởng bên ngoài (mặt trời, sự thay đổi nhiệt độ) và đặc biệt dễ bị nhiễm trùng.
Hiểu về làn da của bạn thôi là bạn có thể tránh và giảm được các tác động xấu từ bên ngoài, các bước chăm sóc da sai cách mà bạn vẫn lầm tưởng từ trước, đồng thời biết các bí kíp chăm sóc da khoa học.
Chúng ta cùng tổng kết lại các bí kíp giúp chăm sóc da để có làn da đẹp nhé:
1, Trong bước làm sạch da cần tẩy tế bào chết 1-3 lần/tuần. Kết hợp với massage da mặt.
2, Nên chống nắng kỹ khi đi ra ngoài và đừng quên sử dụng kem chống nắng.
3, Không nên sử dụng các loại kem trắng da có tác dụng quá nhanh.
4, Sử dụng các sản phẩm bổ sung collagen trong thời gian đủ dài để có hiệu quả.
( Hầu hết mỗi người có thể hấp thu và dung nạp lượng collagen từ 1-1,5g mỗi ngày. Thông thường Một liệu trình khoảng 2- 3 tháng và khoảng 3- 4 liệu trình mỗi năm, giữa các liệu trình nên có khoảng nghỉ từ 1-2 tháng.)
Chúc các bạn đều biết cách chăm sóc da đúng cách để cùng có một làn da đẹp