Đột quỵ có thể xảy ra với tất cả mọi người ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, đột quỵ đang dần trở nên phổ biến ở những người trẻ tuổi. Trên toàn thế giới, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai, là nguyên nhân gây tàn tật đứng thứ ba. Vậy đột quỵ xảy ra khi nào và có những loại đột quỵ nào? Hãy cùng Dược Sĩ Việt tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Đột quỵ não là gì? Có những loại đột quỵ nào?
1.1. Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não xảy ra khi có sự tắc nghẽn mạch máu não hoặc khi một mạch máu trong não bị vỡ và rò rỉ.
Trong cả hai trường hợp, các bộ phận của não đều bị tổn thương hoặc hoại tử. Đột quỵ có thể gây tổn thương não lâu dài, tàn tật hoặc thậm chí tử vong.
1.2. Có những loại đột quỵ nào?
Có 2 loại đột quỵ: đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Thường phổ biến nhất và chiếm 80% các ca đột quỵ não.
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ: đột quỵ do tắc nghẽn.
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, ngăn máu lưu thông lên não.
- Các chất béo tích tụ được gọi là mảng bám cũng có thể gây tắc nghẽn trong mạch máu.
Đột quỵ xuất huyết: xảy ra khi một động mạch trong não bị rò rỉ máu hoặc vỡ. Máu bị rò rỉ gây áp lực quá lớn lên các tế bào não, khiến tế bào não bị tổn thương.
Ngoài ra, có thể gặp phải cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, còn được gọi là “đột quỵ nhỏ” – TIA. Đột quỵ nhỏ khiến lưu lượng máu đến não bị block (bị bít tắc) trong một thời gian ngắn – thường không quá 5 phút.
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo về khả năng bị đột quỵ trong tương lai và được coi là một trường hợp khẩn cấp về thần kinh.
2. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não là gì?
Mặc dù đột quỵ não thường gặp ở người lớn tuổi nhưng đột quỵ não cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Hiểu được các nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ não và nhận biết các triệu chứng có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Nhận được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ tăng khả năng phục hồi hoàn toàn.
Có 2 nhóm yếu tố tăng nguy cơ gây đột quỵ não:
- Yếu tố không thể can thiệp
- Yếu tố có thể can thiệp, dự phòng
2.1. Các yếu tố không thể can thiệp được
Các yếu tố không thể can thiệp được bao gồm:
- Tuổi cao: ngoài những người lớn tuổi, đột quỵ ở người trẻ ngày càng xuất hiện nhiều, kể cả trẻ em cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, tuổi càng cao thì nguy cơ càng lớn.
- Giới tính: Đột quỵ thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, phụ nữ chiếm hơn một nửa số ca tử vong do đột quỵ. Phụ nữ sau mãn kinh có tần suất mắc đột quỵ cao hơn.
- Tiền sử gia đình và một số rối loạn di truyền nhất định làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Tiền sử đột quỵ trước đó làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát.
2.2. Các yếu tố có thể can thiệp.
- Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá cũng gây hại cho phổi, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp.
- Cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não
- Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi không được điều trị, sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác cho sức khỏe.
- Cholesterol máu cao: Mức cholesterol toàn phần cao (240 mg/dL trở lên), mức cholesterol LDL (có hại) cao (lớn hơn 100 mg/dL) và mức chất béo trung tính cao (mỡ máu, 150 mg/dl trở lên) ) và mức cholesterol HDL (có lợi) thấp (dưới 40 mg/dl) có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Lười vận động, béo phì: lười vận động, béo phì có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol trong máu cao, tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
- Các bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường
3. Các triệu chứng của đột quỵ não.
Với một cơn đột quỵ, càng kiểm soát sớm, hậu quả do biến chứng gây ra càng giảm thiểu.
Mỗi phút trôi qua, có hàng triệu tế bào não bị tổn thương và có nguy cơ hoại tử.
Chúng ta có thể sử dụng các chữ cái B.E.F.A.S.T để phát hiện dấu hiệu đột quỵ và biết khi nào cần gọi cấp cứu.
B – Balance: Mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt
E – Eyesight: Mất thị lực 1 phần/ hoàn toàn. Tầm nhìn bị mờ đột ngột
F – Facial weakness : Mặt yếu, bị tê ở mặt, méo miệng
A – Arm weakness: Tay yếu, không nâng hai tay qua đầu cùng lúc được
S – Speech difficulty: khó khăn khi nói, rối loạn ngôn ngữ hoặc khó hiểu lời nói của người khác.
T – Time to call emergency: gọi 115 ngay khi có các triệu chứng trên
4. Tổng kết:
Khi phát hiện người thân hoặc chính bản thân mình có biểu hiện của bệnh đột quỵ não, cần nhanh chóng nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh và gọi cấp cứu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
—–