Cam thảo còn được biết đến một tên gọi quen thuộc khác: Cam thảo bắc. Tên khoa học của cam thảo bắc là Glycyrrhiza uralensis Fish. được nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra còn một loài cam thảo khác được các nước Châu Âu khai thác là từ loài Glycyrrhiza glabra L., họ Đậu Fabaceae được nhập về nước ta. Cam thảo nổi tiếng với công dụng giảm viêm, kháng khuẩn, bảo vệ gan. Hãy cùng team DSV tìm hiểu về cam thảo qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Bộ phận dùng làm thuốc của cam thảo
Bộ phận chính dùng làm thuốc của cam thảo gồm: Rễ, thân rễ của cây cam thảo bắc (Radix Glycyrrhizae).
Cả rễ và thân rễ của cây cam thảo được sử dụng làm thuốc đem lại nhiều công dụng quý giá với sức khoẻ. Đến vụ, người ta thu hoạch toàn bộ rễ và thân rễ của cam thảo, đem rửa sạch, cắt lát, phơi và sấy khô bảo quản làm thuốc.
Rễ và thân rễ cam thảo thường thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa đông, khi cây đã trưởng thành, rễ chứa nhiều hoạt chất có hoạt tính.
Rễ và thân rễ chứa hàm lượng cao các hoạt chất như Glycyrrhizin, Flavonoid, isoflavonoid…
Thân và lá cam thảo vẫn có thể được tận dụng thu hoạch nhưng ít giá trị dược liệu hơn. Hoa cam thảo được sử dụng làm trà đem đến tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan.
Lưu ý: Khi mua cam thảo nên chọn loại cam thảo có màu vàng nâu, vị ngọt, không có dấu hiệu bị mốc, mối mọt.
2. Các hoạt chất đem lại hoạt tính của cam thảo
Cam thảo có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm đặc trưng nhờ nhiều hoạt chất rất thú vị trong thân rễ và rễ, đó là những hoạt chất nào?
Glycyrrhizin (Saponin)
- Cam thảo có vị ngọt càng đặc trưng, càng thanh mát thì hàm lượng glycyrrhizin càng cao, đây là hoạt chất đặc trưng nhất tạo nên hoạt tính của cam thảo.
- Glycyrrhizin là một saponin có khả năng kháng khuẩn, giảm viêm, ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh. Chính vì vậy cam thảo có thể được sử dụng giảm viêm họng, giảm ho, long đờm, giảm nhiễm khuẩn hô hấp, phối hợp trong các bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.
- Cam thảo có tính mát, thanh nhiệt, giúp gan tăng thanh thải độc, chống oxy hoá, bảo vệ gan trước các tổn thương.
- Lưu ý: Tuy có nhiều lợi ích, dùng quá nhiều cam thảo (Glycyrrhizin) có thể gây mất cân bằng điện giải, giữ nước, tăng huyết áp.
Liquiritin (Flavonoid) và các Isoflavonoid
- Đem lại khả năng chống oxy hoá tuyệt vời cho cam thảo
- Giảm viêm, sưng tấy
- Hỗ trợ nâng cao miễn dịch
Các hợp chất khác như: Acid amin, vitamin, khoáng chất:
Nhóm dược liệu bổ, thành phần hỗ trợ các bài thuốc khác.
3. Cam thảo đem lại những công dụng nào?
Hoạt tính của cam thảo có trong một số công dụng như sau:
- Chống viêm: viêm hô hấp, viêm họng, viêm da, viêm dạ dày ruột
- Thanh lọc gan, mát gan, bảo vệ gan trước các tổn thương
- Giảm ho, long đờm
- Bổ tỳ vị, cải thiện chức năng tiêu hoá.
4. Một số bài thuốc dân gian sử dụng cam thảo
Các bài thuốc bổ phế, long đờm, trừ ho
Cam thảo + Cát cánh + Huyền sâm: Kết hợp 3 vị thuốc này giúp giảm ho, long đờm, rất tốt cho người đau rát họng, ho khan
Cam thảo + Kinh giới + Bạc hà: Giảm viêm, long đờm, giảm đau rát khó chịu, thanh nhiệt.
Bài thuốc trị viêm loét dạ dày
Cam thảo + Đương quy + Bạch truật + Sài hồ + Phục linh: Hỗ trợ giảm bài tiết acid, giảm cảm giác đau do ợ nóng, ợ chua.
Bài thuốc giúp bổ tỳ vị
Cam thảo+ ý dĩ+hoài sơn+ bạch truật: hỗ trợ hấp thu, bồi bổ cơ thể.
Bài thuốc giảm stress, an thần, dễ ngủ:
Cam thảo + Tâm sen + Hoa nhài giúp an thần, dễ ngủ, giảm căng thẳng.
Ngoài ra, cam thảo còn là vị thuốc phổ biến nhất trong Đông y, vị mát ngọt thanh, tính bình, đem lại sự hoà hợp trong các bài thuốc:
- Giúp điều hoà các bài thuốc, tăng khả năng hoà hợp các vị thuốc: giảm bớt tính hàn hoặc tính nhiệt của các dược liệu khác, giúp thuốc dễ đi vào kinh lạc và tăng hiệu quả tác dụng của thuốc
- Làm ngọt vị thuốc: vị ngọt thanh của cam thảo giúp che đi vị chua, vị đắng, vị chát của các vị thuốc khác, giúp thuốc dễ uống hơn, đặc biệt đối với trẻ em
Dược Sĩ Việt – DSV
Sẵn sàng lắng nghe – Sẵn sàng tư vấn các vấn đề sức khỏe của bạn.
Đến từ đội ngũ Dược Sĩ giàu chuyên môn trường Đại học Dược Hà Nội.
Hotline: 024.6680.8686/ 094.8816.027