Thiểu năng tuần hoàn não là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, khó tập trung… Đông y từ lâu đã được biết đến với những bài thuốc hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng này, giúp bổ máu, tăng cường tuần hoàn máu lên não, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy cùng team Dược sĩ Việt tìm hiểu về các bào thuốc Đông y trị thiểu năng tuần hoàn não nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não
Nguyên nhân chính là tăng huyết áp, vữa xơ động mạch.
Nguyên nhân rối loạn tuần hoàn chung: hạ huyết áp, bệnh tim mạch, dị tật bẩm sinh động mạch (gấp khúc), viêm tắc mạch, chấn thương.
Nguyên nhân ngoài động mạch đốt sống: mỏ gai xương, hư xương sụn đốt sống cổ, viêm khớp cột sống cổ, hẹp lỗ mỏm ngang, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thiếu máu não là do khí huyết đều hư. Vì vậy, việc điều trị cần kết hợp bổ khí huyết và hoạt huyết để làm tăng lưu thông tuần hoàn, bổ sung huyết dịch nuôi dưỡng cơ thể và nuôi dưỡng não.
Các bác sĩ y dược học cổ truyền cho rằng: Theo nguyên lý này thì giải pháp hữu hiệu cho tình trạng thiếu máu não là kết hợp nhóm các vị hoạt huyết với nhóm có tác dụng bổ khí huyết nhằm giải quyết triệt để chứng khí hư và huyết hư.
2. Các bài thuốc Đông y trị thiểu năng tuần hoàn não
2.1 Bài thuốc 1: Tứ vật thang
Thục địa hoàng: 24g
Bạch thược: 16g
Đương quy: 16g
Xuyên khung: 8g
Trong bài thuốc “tứ vật thang”, các thành phần đóng vai trò:
- Thục địa – đóng vai trò là Quân – có tác dụng bổ thận bổ huyết, thúc đẩy quá trình tạo huyết.
- Bạch thược – đóng vai trò là Tá – có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết, liễm âm (Trong đông y, khí thuộc dương, huyết thuộc âm, liễm âm cũng có nghĩa là liễm huyết – ở đây liễm có nghĩa là thu lại, gom lại hay còn gọi là cầm máu)
- Đương quy – đóng vai trò là Thần – bổ huyết, hoạt huyết. Theo nghiên cứu hiện đại, đương quy là vị thuốc rất giàu hàm lượng sắt và vitamin B12, có thể thúc đẩy hoạt hóa tế bào hồng cầu, thúc đẩy quá trình vận hành và lưu thông máu.
- Xuyên khung – đóng vai trò là Sứ – có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, là vị thuốc hành khí trong huyết, làm cho huyết theo khí đi khắp toàn thân, từ đó tuần hoàn huyết dịch trong cơ thể được thông suốt hơn. Khí huyết vận hành thông suốt, cơ thể mới có thể vận hành một cách bình thường, sức khỏe nhờ đó mới được đảm bảo.
Các thành phần trong bài thuốc “Tứ vật thang” có vai trò bổ huyết, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, lưu thông khí huyết. Từ đó, bài thuốc này có thể hỗ trợ điều trị thiểu năng tuần hoàn não.
2.2 Thập toàn đại bổ
Đương quy 12g,
Xuyên khung 12g,
Thục địa 20g,
Bạch thược 12g,
Đảng sâm 12g,
Bạch linh 12g,
Bạch truật 12g,
Cam thảo 10g,
Hoàng kỳ 10g,
Nhục quế 6g.
Bài thuốc “Thập toàn đại bổ” được hợp lại từ
- Bài “Tứ quân tử thang” với tác dụng bổ khí
- Bài “Tứ vật thang” bổ huyết
- Thêm hoàng kỳ bổ khí và nhục quế làm ôn ấm, thông kinh lạc.
Sự “thần diệu” của bài Thập toàn đại bổ là sự kết hợp hoàn hảo giữa các vị thuốc để cho điều trị hiệu quả cao.
Bài chủ yếu để bổ khí hoặc kiện tỳ, ích khí.
Trong đó
- Đảng sâm: có tác dụng bổ khí rất mạnh. Nghĩa là đảng sâm sẽ giúp cơ thể có thêm năng lượng, tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, đảng sâm còn giúp bổ thận, tốt cho tim mạch. Trong bài thuốc này, đảng sâm có vai trò là Quân
- Bạch truật: Có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, tức là giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt. Bạch truật còn có tác dụng lợi thấp, tức là giúp cơ thể đào thải những chất độc hại ra ngoài. Bạch truật phối hợp với Đảng sâm để bổ khí kiện tỳ đóng vai trò là Thần
- Bạch linh: cũng có tác dụng kiện tỳ, lợi thấp giống như bạch truật nhưng tác dụng nhẹ nhàng hơn. Bạch linh còn có tác dụng giúp lợi tiểu, giảm phù nề. Vì vậy, Bạch linh giúp tăng tác dụng hoá thấp của Bạch truật nên đóng vai trò là Tá.
- Cam thảo: Có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hòa hoãn các vị thuốc khác, giúp các vị thuốc phát huy tác dụng tốt hơn. Đồng thời, cam thảo còn có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, giúp cơ thể dễ hấp thu các dưỡng chất nên vai trò là Sứ
Vì vậy, bài thuốc này bổ khí kiện tỳ mà không gây thấp trệ tăng lên, cơ thể khỏe hơn. Bốn vị này có tính hòa hoãn, dễ uống, đều làm ăn ngon, bổ khí.
Thập toàn đại bổ có thêm 2 vị thuốc: hoàng kỳ và nhục quế.
- Hoàng kỳ
Vị ngọt, tính ôn
Quy kinh: vào 2 kinh phế và tỳ.
Hoàng kỳ còn có tác dụng làm giãn mạch, kết quả của sự giãn mạch ngoại vi dẫn đến việc làm cho máu tới nhiều hơn, sự dinh dưỡng tốt hơn, cũng do giãn mạch ngoại vi, huyết áp hạ thấp, do mạch tim và mạch thận giãn nở nên cũng ảnh hưởng làm thông tiểu tiện.
Hoàng kỳ là vị thuốc thường được so sánh với nhân sâm. Nếu như nhân sâm có tác dụng chính là đại bổ nguyên khí, dưỡng âm cho toàn thể trạng, hồi dương cứu mạng, hoàng kỳ là vị thuốc bổ khí thăng dương, có tác dụng chính trong việc bổ dưỡng cho những người yếu ớt, người ốm đau liên miên, thiếu dương, người ăn nói yếu ớt, sức khỏe dưới mức trung bình, mạch hay tế bào đều suy nhược, thiếu sức sống.
- Nhục quế
Vị cay, ngọt và tính nóng
Quy kinh: Thận, Tỳ, Tâm và Can
Công dụng: trừ lạnh và giảm đau, làm ấm kinh lạc và tăng lưu thông.
2.3 Bài thuốc 3
Thảo quyết minh, đan sâm, xuyên khung, sơn tra, liều lượng như nhau.
Tất cả đem thái vụn, sao thơm, mỗi lần dùng 20 – 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, làm giảm cholesterol máu. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng bài này.
- Thảo quyết minh
Hạt tươi có vị nhạt hơi đắng, có chất nhầy
Hạt sao qua có tính hơi hàn
Vị ngọt, đắng, mặn
Quy vào kinh can, thận
Tác dụng: thanh can hỏa, trừ phong nhiệt, minh mục, ích thận, an thần, lợi tiểu, nhuận tràng.
Trong đông y, Thảo quyết minh được dùng trong trị viêm kết mạc cấp, loét giác mạc, quáng gà, tăng nhãn áp; tăng huyết áp; xơ gan cổ trướng, viêm gan; táo bón thường xuyên; trẻ hấp thu kém, suy dinh dưỡng.
- Đan sâm
Tính vị: Đan sâm có vị đắng, tính mát nhẹ
Tác dụng: khử ứ chỉ thống, kích thích lưu thông máu, giúp giải độc và làm dịu tâm lý.
Công dụng:
Hiện nay, Đan sâm được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như đau thắt ngực, kinh nguyệt không đều, đau bụng, tăng cường tuần hoàn máu, rong kinh đau bụng, tử cung xuất huyết, đau khớp xương, hòn báng do khí huyết tích tụ, phong tê, ung nhọt sưng đau, đơn độc, ghẻ lở và còn được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ và trẻ em ăn uống thất thường.
- Sơn tra
Tính vị: Vị ngọt, chua nhẹ, tính hơi ôn, không độc.
Quy kinh: Kinh Can và Tỳ.
Công dụng: Trợ tiêu hóa, hoạt huyết, giảm ứ, lợi tiểu,…
Chủ trị: Ăn uống không tiêu, không ngon miệng, ợ hơi, đầy bụng, tiêu chảy…
Một số tác dụng của Sơn tra theo nền y học hiện đại như:
Hỗ trợ hệ tuần hoàn: Giảm sự kích thích cơ tim, tăng sức co bóp từ đó tăng lưu lượng máu, điều hòa hệ tuần hoàn. Một số quốc gia đã chiết xuất từ dược liệu để điều chế các loại thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp.
Giảm mỡ máu: Tăng bài tiết cholesterol ra ngoài có thể từ đó làm hạ lipid máu, chống xơ vữa mạch máu.
Hỗ trợ tiêu hóa: Hỗ trợ enzyme, kích thích ăn ngon miệng, giảm đầy hơi, khó tiêu…
Kháng khuẩn: Ức chế các trực khuẩn liên cầu beta, tụ cầu vàng…
An thần: Hỗ trợ giấc ngủ, tăng cường sức khỏe.
- Xuyên Khung
Với tác dụng chống oxy hóa, làm tăng lưu lượng máu mạch vành tim, gây giãn mạch và chống đau nửa đầu, Xuyên khung còn được chứng minh có tác dụng chống đông máu.
Có khoảng 174 hợp chất đã được tách ra và xác định từ loại cây này. Trong đó, Phthalide và alkaloid được xem là các hoạt chất sinh học chính mang lại những đặc tính dược lý như chống thiếu máu não và cơ tim, bảo vệ mạch máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối, giảm tăng huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm co thắt, chống viêm, chống ung thư và chống oxy hóa. Một thành phần khác là ligustrazine có trong cây Ligusticum wallichii còn giúp tăng khả năng co bóp của cơ tim và tuần hoàn mạch vành.
Tinh dầu chiết xuất từ xuyên khung có tác dụng tạo ra sự hưng phấn ở trung khu vận mạch, hô hấp và phản xạ ở tủy sống, giúp làm mạch máu ngoại vi giãn ra, tăng lưu lượng máu ở mạch vành và lượng oxy ở tim, đồng thời giúp điều hòa huyết áp.
3. Một số phương pháp hỗ trợ thiểu năng tuần hoàn não
Các phương pháp pháp điều trị thiểu năng tuần hoàn não không dùng thuốc:
- Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt vùng đầu mặt cổ;
- Có chế độ ăn khoa học hợp lý: Giảm đồ ngọt và dầu mỡ, tăng chất đạm, chất xơ, vitamin;
- Thiền, các bài tập dưỡng sinh, yoga giúp thả lỏng thư giãn cơ thể;
- Tránh căng thẳng, stress;
- Nghỉ ngơi 5 -10 phút sau mỗi lần suy nghĩ làm việc học tập trí óc liên tục 2h.
4. Tóm tắt
Các bài thuốc Đông y là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị thiểu năng tuần hoàn não hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý và sự tư vấn của bác sĩ.
XEM THÊM