Xuất phát từ cuốn “Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương”, Tứ vật thang là bài thuốc nổi tiếng trong việc điều trị các chứng về huyết trong y học cổ truyền do tác dụng điều huyết ở Can kinh. Hiện nay, việc chiết suất các hoạt chất trong các bài thuốc cồ truyền như “Tứ vật thang” đang nhận được sự chú ý và nghiên cứu để áp dụng rộng rãi và an toàn hơn. Hãy cùng team Dược sĩ Việt tìm hiểu rõ hơn về bài thuốc này nhé!
Mục lục
1. Lịch sử ra đời
Có người cho rằng bài thuốc “Tứ vật thang” ra đời trong tác phẩm “Tiên thuật lý phương tục đoạn mật phương” của tác giả Lận Đạo Nhân đời cuối nhà Đường.
Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, Tứ vật thang bắt nguồn từ cuốn “Kim quỹ yếu lược” của y gia Trương Trọng Cảnh thời Đông Hán. Lý do là vì y gia Trương Trọng Cảnh sớm đã nhắc đến bài thuốc Giao ngải thang.
Nhưng bài Giao ngải thang của Trương Trọng Cảnh, tác dụng chính mà tác giả muốn sử dụng là Bổ huyết chuyên về các bệnh lý phụ khoa, nữ khoa.
Đến thời Bắc Tống, y học phát triển vượt bậc, triều đình nhà Tống kêu gọi thu thập các bài thuốc quý trong nhân dân để viết thành tác phẩm phương dược điển đầu tiên “Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương”.
“Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương” ghi chép về Tứ vật thang là một bài thuốc bổ huyết toàn diện chứ không chỉ dừng lại ở ngoại khoa hay phụ khoa. Từ đó Tứ vật thang bước sang một giai đoạn lịch sử mới, và cái tên “bổ huyết thánh dược” cũng được bắt đầu từ đó.
2. Thành phần
Thành Phần
Thục địa hoàng: 24g
Bạch thược: 16g
Đương quy: 16g
Xuyên khung: 8g
Trong đó
- Vị thuốc có tác dụng chính chính gọi là “Quân”.
- Vị thuốc đóng vai trò hỗ trợ tác dụng chính được gọi là “Thần”.
- Vị thuốc có tác dụng hỗ trợ tiêu trừ độc tính và tác dụng phụ của “Quân” được gọi là “Tá”.
- Vị thuốc có tác dụng dẫn thuốc đến cơ quan đích để điều trị bệnh làm “Sứ”.
Trong bài thuốc “Tứ vật thang”, các thành phần đóng vai trò:
- Thục địa – đóng vai trò là Quân – có tác dụng bổ thận bổ huyết, thúc đẩy quá trình tạo huyết.
- Bạch thược – đóng vai trò là Tá – có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết, liễm âm (Trong đông y, khí thuộc dương, huyết thuộc âm, liễm âm cũng có nghĩa là liễm huyết – ở đây liễm có nghĩa là thu lại, gom lại hay còn gọi là cầm máu)
- Đương quy – đóng vai trò là Thần – bổ huyết, hoạt huyết, theo nghiên cứu hiện đại, đương quy là vị thuốc rất giàu hàm lượng sắt và vitamin B12, có thể thúc đẩy hoạt hóa tế bào hồng cầu, thúc đẩy quá trình vận hành và lưu thông máu.
- Xuyên khung – đóng vai trò là Sứ – có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, là vị thuốc hành khí trong huyết, làm cho huyết theo khí đi khắp toàn thân, từ đó tuần hoàn huyết dịch trong cơ thể được thông suốt hơn. Khí huyết vận hành thông suốt, cơ thể mới có thể vận hành một cách bình thường, sức khỏe nhờ đó mới được đảm bảo.
Tứ vật thang có một tên gọi khác là “Nữ khoa thánh dược”, chủ yếu dựa vào tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Đồng thời, thành phần trong bài thuốc tứ vật thang là những vị thuốc chủ yếu để điều trị bệnh về “huyết”. Trong đông y, nói đến “huyết” không chỉ được hiểu là huyết dịch, mà cần phải hiểu bao quát – đó là phần chứa chất dinh dưỡng trong cơ thể.
3. Cách dùng
Có thể tán thành bột khô, hòa với nước uống, hoặc làm ẩm phiến (kĩ thuật chế biến thuốc), hoặc làm thành thang sắc uống khi còn ấm.
4. Công dụng của “Tứ vật thang” theo y học cổ truyền
Công năng: Bổ huyết, điều huyết, hoạt huyết, điều kinh.
Chủ trị:
- Xung nhâm hư tổn: xung nhâm là hai kinh mạch chính, có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Xung Nhâm hư tổn là tình trạng hai kinh mạch này bị suy yếu, không đủ khí huyết nuôi dưỡng, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ.
- Kinh nguyệt không đều
- Đau bụng vùng rốn
- Băng huyết: là một tình trạng cấp cứu sản khoa, xảy ra khi sản phụ mất quá nhiều máu sau khi sinh.
- Rong kinh
- Huyết hoá thành khối cứng, thường gây đau, lúc thai nghén thì thai động không yên, huyết ra không dứt, lúc sinh xong sản dịch không xuống hết, kết thành hòn tụ.
- Bụng dưới đau cứng, có lúc nóng lạnh, sắc mặt vàng, môi không tươi nhuận, chất lưỡi nhạt, mạch máu căng cứng hoặc nhỏ, yếu.
5. Công dụng của “Tứ vật thang” theo Y học hiện đại
Bài thuốc cổ phương nghìn năm tuổi Tứ vật thang được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh lý như:
- Thiếu máu
- Chống tác hại do hóa chất- bức xạ
- Chống ngưng kết tiểu cầu
- Chống hình thành cục máu đông
- Chống tình trạng thiếu oxy của cơ thể
- Chống tác hại của các gốc tự do
- Ức chế tăng sinh u cục
- Điều tiết hoạt động của tử cung
- Điều tiết chức năng miễn dịch của cơ thể
- Bổ sung nguyên tố vi lượng, phospholipid, vitamin,…
Ví dụ
- Nếu tăng liều thục địa, đương quy, giảm liều xuyên khung, đây sẽ là bài thuốc bổ huyết tuyệt vời.
- Nếu giảm liều đương quy, xuyên khung, bài thuốc được ứng dụng để hỗ trợ an thai rất tốt.
- Giảm liều bạch thược, có tác dụng điều trị kinh nguyệt lượng ít, huyết ứ trệ không thông.
- Thêm vào đó, ngoài bài thuốc “mẹ” là Tứ vật thang, còn có thêm rất nhiều các bài thuốc “con” gia giảm từ bài thuốc “mẹ” mà thành. Ví dụ như Đào hồng tứ vật thang, Tứ vật thang gia A giao ngải diệp, Tứ vật thang gia, Tứ quân tử thang….
6. Tóm tắt
Với nền y học hiện đại ngày nay, công dụng của bài thuốc “Tứ vật thang” có nhiều tiềm năng việc điều trị, hỗ trợ sức khỏe của chúng ta. “Tứ vật thang” cũng được sử dụng rất linh hoạt để phát huy được nhiều công dụng tuyệt vời. Bài thuốc cổ truyền nhưng mang lại lợi ích cho sức khỏe, nguồn giá trị to lớn ở hiện đại.
XEM THÊM: