Thuốc lợi tiểu là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong các bệnh lý mạn tính tỷ lệ mắc cao hiện nay như: tăng huyết áp, phù nề do phù phổi cấp, phù nề do suy tim, phù cổ trướng, … Tuy nhiên, với 5 nhóm thuốc lợi tiểu khác nhau, cần lựa chọn như thế nào cho phù hợp với các đối tượng trên để tối ưu hiệu quả sử dụng thuốc, giảm tác dụng phụ gặp phải?
Mục lục
- 1. Thuốc lợi tiểu là gì?
- 2. Tên các nhóm thuốc lợi tiểu phổ biến hiện nay
- 3. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu thẩm thấu & Cần lưu ý điều gì
- 4. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu Ức chế men Carbonic Anhydrase:
- 5. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu quai & Cần lưu ý điều gì
- 6. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu Thiazide & Cần lưu ý điều gì
- 7. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu giữ Kali & Cần lưu ý điều gì
1. Thuốc lợi tiểu là gì?
Thận là cơ quan bài xuất quan trọng bậc nhất trong cơ thể. Thận lọc máu, tạo nước tiểu, giúp đào thải các chất không tham gia chuyển hóa, các chất thải. Để quá trình lọc diễn ra tốt nhất, tại thận có các bộ phận cấu trúc phụ trách 2 chu trình chính:
- Cầu thận: phụ trách lọc
- Các ống thận : phụ trách tái hấp thu và bài tiết một số chất. Các ống thận theo thứ tự bao gồm: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa, ống góp.
Trong rất nhiều trường hợp bệnh lý, máu và các chất thải ứ lại tại hệ tuần hoàn, gây hiện tượng phù nề, tăng huyết áp, ngộ độc. Để giải quyết vấn đề này, thuốc lợi tiểu ra đời giúp điều hòa, giảm thể tích tuần hoàn, tăng đào thải chất độc, giúp đảm bảo huyết áp, chu kỳ hoạt động của tim & nhiều chu kỳ sinh hóa khác.
Thuốc lợi tiểu – Thuốc kích thích tăng thể tích dịch tiểu bằng nhiều cơ chế khác nhau.
2. Tên các nhóm thuốc lợi tiểu phổ biến hiện nay
Hiện nay có 5 nhóm thuốc lợi tiểu chính được kê đơn phổ biến:
- Lợi tiểu thẩm thấu: Mannitol
- Lợi tiểu ức chế Carbonic Anhydrase
- Lợi tiểu quai: Furosemide
- Lợi tiểu Thiazide: Hydroclothiazide, Clothiazide, Indapamid
- Lợi tiểu giữ Kali: Spironolacton (đối kháng Aldosteron), amiloride, triamterene (trực tiếp ức chế kênh Na+)
3. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu thẩm thấu & Cần lưu ý điều gì
- Hoạt chất phổ biến: Manitol
Đối tượng được chỉ định sử dụng lợi tiểu thẩm thấu
- Người đang trong giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp muốn điều trị và phòng ngừa diễn tiến suy thận không hồi phục.
- Bệnh nhân phù não muốn giảm áp lực nội sọ.
- Người tăng áp lực nội nhãn
- Bệnh nhân cần đào thải độc qua đường nước tiểu (như aspirin hoặc các barbiturat)
Đối tượng không được chỉ định sử dụng lợi tiểu thẩm thấu:
- Người đang mất nước (thuốc làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch do shock giảm thể tích tuần hoàn)
- Bệnh nhân suy tim sung huyết, bệnh tim nặng
- Đang phù phổi, sung huyết phổi
- Bệnh nhân suy thận nặng
- Phù do rối loạn chuyển hóa kèm theo dễ vỡ mao mạch
- Chảy máu nội sọ do chấn thương sọ não.
Lưu ý khi sử dụng:
- Đảm bảo bệnh nhân đang không bị mất nước
- Kiểm tra chức năng tim mạch trước, trong và sau quá trình sử dụng
- Không được truyền manitol với máu toàn phần.
- Dịch ưu trương nên chỉ tiêm vào tĩnh mạch.
Cơ chế tác động của thuốc lợi niệu thẩm thấu:
- Manitol là một loại đường được hấp thu và phân bố tại khoảng gian bào. Manitol có khả năng thẩm thấu cho chất lỏng từ bên trong tế bào đi ra khoảng gian bào.
- Manitol được lọc tự do ở cầu thận và tái hấp thu 10% tại ống thận.Trong ống thận, manitol có tác dụng thẩm thấu và tạo tác dụng lợi tiểu, thúc đẩy lưu lượng nước tiểu trong tình trạng giảm niệu/ vô niệu.
- Bên cạnh lợi niệu, manitol cũng tăng bài tiết các chất điện giải (natri,kali và clo). Sự bài tiết các chất qua thận như Salicylate và barbiturat cũng tăng lên.
- Trong điều trị giảm áp lực nội sọ, manitol không đi qua hàng rào máu não còn nguyên vẹn, sẽ gây áp lực thẩm thấu làm dịch rời khỏi mô não, giảm áp lực nội sọ.
- Manitol không thâm nhập vào mắt, cũng tương ứng làm giảm áp lực nội nhãn.
4. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu Ức chế men Carbonic Anhydrase:
- Các hoạt chất chính: Acetazolamid, Diclophenamid, Methazolamid.
Đối tượng được chỉ định sử dụng lợi tiểu ức chế men Carbonic Anhydrase
- Bệnh nhân tăng nhãn áp
- Bệnh nhân nhiễm kiềm chuyển hóa
- Bệnh nhân cần tăng thải trừ acid uric, aspirin.
Đối tượng không được chỉ định sử dụng lợi tiểu ức chế men Carbonic Anhydrase:
- Bệnh nhân xơ gan, nhiễm toan chuyển hóa
- Bệnh nhân hạ Kali máu
- Bệnh nhân sỏi thận (tăng Caxin và phosphat)
- Phụ nữ có thai.
Cơ chế tác động của thuốc lợi niệu ức chế men Carbonic Anhydrase
- Tăng đào thải Natri, HCO3-, K+ gây kiềm hóa nước tiểu, toan chuyển hóa huyết tương.
5. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu quai & Cần lưu ý điều gì
- Hoạt chất chính: Furosemide, Acid Ethacrynic, Bumetanide.
Đối tượng được chỉ định sử dụng lợi tiểu quai
- Đối tượng phù phổi cấp do: Suy tim, Xơ gan, Suy thận
- Bệnh nhân: Tăng huyết áp (Tác dụng nhanh, mạnh: khi huyết áp tăng mạnh, kháng trị, cấp cứu tăng huyết áp, phù phổi cấp) – Hiệu quả của lợi tiểu quai rất nhanh và mạnh nên chỉ sử dụng trong những trường hợp cấp cứu.
- Tăng huyết áp khi có tổn thương thận
- Bệnh nhân tăng Calci huyết
Đối tượng không được chỉ định sử dụng lợi tiểu quai
- Không sử dụng cho phụ nữ mang thai
- Lưu ý: gây độc thần kinh thính giác.
- Bệnh nhân hôn mê gan
- Tình trạng vô niệu.
Cơ chế tác động lợi tiểu quai
Furosemid là hợp chất phổ biến nhất được sử dụng trong nhóm lợi tiểu quai. Furosemide thuộc nhóm tác dụng nhanh, mạnh, phụ thuộc liều lượng. Thuốc tác dụng vào nhánh lên của quai Henle.
Cơ chế tác dụng: Ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+, K+, 2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle. Qua đó làm tăng thải trừ những chất điện giải này, kèm theo tăng bài xuất nước. Bên cạnh, Furosemide còn tăng đào thải Ca++ và Mg++.
6. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu Thiazide & Cần lưu ý điều gì
- Hoạt chất chính: Chlorothiazide, hydrochlorothiazide (tác dụng 10 lần so với Chlorothiazide), Chlorthalidon, Indapamide, Xipamid (Công dụng giống thiazid) nhưng thời gian tác dụng lâu dài.
Đối tượng được chỉ định sử dụng lợi tiểu Thiazide:
- Bệnh nhân phù do: Suy tim, xơ gan, suy thận
- Tăng huyết áp
- Đái tháo nhạt do thận (Không đáp ứng với ADH)
Lưu ý khi sử dụng lợi tiểu Thiazide:
- Không sử dụng lợi tiểu thiazide cho cấp cứu
- Hạn chế uống vào tối (tránh đi tiểu đêm)
- Dùng liều cao dễ gây đề kháng Insulin, tăng acid uric, tăng Cholesterol và Triglycerid.
- Dùng liều thấp cho hiệu quả tốt và giảm tác dụng phụ.
Cơ chế tác dụng lợi tiểu Thiazide:
- Lợi tiểu Thiazide tác động vào hệ thống bơm Na+, Cl- trên đoạn đầu ống lượn xa. Công dụng lợi tiểu vừa phải, thời gian tác dụng sau 1 giờ, thời gian bán thải từ 6 -12 giờ (ngày dùng 1 lần/ sáng).
- Gây tăng đào thải Na+, K+ giảm thể tích tuần hoàn, giãn mạch, rất phù hợp trong điều trị tăng huyết áp.
- Làm giảm nồng độ Canxi niệu, tăng canxi máu.
7. Đối tượng nên sử dụng lợi tiểu giữ Kali & Cần lưu ý điều gì
- Nhóm hoạt chất chính: Spironolacton (Đối kháng aldosterol), Amiloride (Ức chế trực tiếp kênh Natri ở ống thận. (Ống góp).
Đối tượng sử dụng lợi tiểu giữ Kali:
- Bệnh nhân phù do: Suy tim, xơ gan, suy thận
- Tăng huyết áp
Lưu ý sử dụng lợi tiểu giữ Kali:
- Tác dụng chậm, không sử dụng cho cấp cứu.
- Tác dụng yếu: không sử dụng cho trường hợp nặng
- Thường phối hợp với lợi tiểu thiazide và lợi tiểu quai
- Giúp điều hòa K+ máu.
Chống chỉ định cho:
- Người tăng K+ huyết
- Khi dùng thời gian dài dễ gây rối loạn sinh dục: vú to ở nam, rậm lông, rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
- Dùng nhiều, lâu dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm và xuất huyết dạ dày.